Qua 67 năm kể từ ngày thành lập, trải qua quá trình hình thành và phát triển với sự nỗ lực của nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh, Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên vinh dự được Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Thầy và Trò Nhà trường vô cùng vinh dự, tự hào bởi là ngôi trường đầu tiên của ngành GDĐT tạo tỉnh Điện Biên được tặng thưởng danh hiệu cao quý này.
67 năm hình thành và phát triển
Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên tiền thân là khu kí túc xá Mường Lay được thành lập từ tháng 11 năm 1956 đóng tại Đồi Cao - Thị Xã Mường Lay - tỉnh Lai Châu thuộc khu Tây Bắc. Khi mới thành lập, trường chỉ có 02 giáo viên, 02 cán bộ Hành chính phục vụ và 29 học sinh của lớp 1.
Năm 1963, cùng với việc thành lập tỉnh Lai Châu (cũ), trường đổi tên thành trường thiếu niên dân tộc tỉnh Lai Châu. Do hoàn cảnh chiến tranh, từ 1965 đến 1969 trường di dời về Pa Ham - Mường Chà. Từ 1969 đến 1971 trường lại tiếp tục di chuyển về Mường Xo - Phong Thổ. Đến cuối năm 1971, trường chuyển về đóng tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên. Năm 1976 trường di chuyển về đóng tại trại 1 - thị trấn huyện Điện Biên, nay thuộc phường Nam Thanh thành phố Điện Biên Phủ.
Cuối năm 1976 trường chuyển từ thị trấn huyện Điện Biên về huyện Tuần Giáo và sáp nhập với 3 trường khác là: Trường bổ túc văn hóa thanh thiếu niên dân tộc Mèo Tây Bắc (thành lập 1968); Trường thanh niên dân tộc khu Tây Bắc (thành lập 1968); Trường thanh thiếu niên dân tộc huyện Tuần Giáo (thành lập 1960) và đổi tên thành trường Phổ Thông Dân Tộc Vùng Cao Lai Châu, đóng tại bản Cang - xã Quài Cang - huyện Tuần Giáo ở thời điểm này trường đào tạo học sinh của 3 cấp: Tiểu học, THCS và THPT.
Năm 1990, trường chuyển từ Tuần Giáo về Điện Biên, đóng tại địa điểm hiện nay và đào tạo học sinh của 2 cấp là THCS và THPT. Năm 1993, thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thành lập các trường phổ thông DTNT cho các tỉnh miền núi và các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, trường đổi tên thành trường phổ thông DTNT tỉnh Lai Châu. Và cũng từ năm học 2000 - 2001 nhà trường chỉ đào tạo hệ THPT. Từ ngày 01/01/2004 cùng với việc chia tách tỉnh Lai Châu thành 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu, trường chính thức mang tên gọi là trường PTDTNT tỉnh Điện Biên.
Từ một mái trường ban đầu chỉ có 1 lớp 1 với 29 học sinh và 2 thầy cô giáo, qua 67 năm xây dựng và trưởng thành, trường PTDTNT tỉnh Điện Biên đã trở thành điểm sáng của giáo dục dân tộc, phát huy, toả sáng danh hiệu lá cờ đầu của ngành GDĐT tỉnh Điện Biên. Nhà trường được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia từ năm 2012. Nhà trường được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân Chương Lao động Hạng Nhất năm 2011, Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2014, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2020, Cờ thi đua của Chính phủ năm 2018, 2020. Liên tục 10 năm liền (từ năm học 2012-2013 đến năm học 2022-2023) nhà trường được UBND tỉnh Điện Biên tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”.
Thật vinh dự và tự hào vào ngày 25/01/2022, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 125/QĐ-CTN về việc tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba cho trường PTDTNT tỉnh Điện Biên. Đây là kết quả kế thừa bề dày thành tích của nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của Nhà trường. Đó là niềm vinh dự là động lực cũng là trách nhiệm lớn lao để thầy và trò nhà trường tiếp tục nỗ lực phấn đấu đạt được mục tiêu và danh hiệu cao quý trong thời gian tới.
Đồng chí Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên
Trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho nhà trường
Xứng đáng là cái nôi đào tạo nguồn cán bộ dân tộc cho tỉnh nhà
Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên là nơi học tập giành riêng cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số, đóng vai trò mũi nhọn trong sự nghiệp giáo dục dân tộc của tỉnh Điện Biên. Thực hiện chính sách giáo dục của Ðảng và Nhà nước trong những năm qua, nhà trường đã nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, xứng đáng là nơi tạo nguồn cán bộ, nguồn nhân lực lao động chất lượng người dân tộc thiểu số trực tiếp tham gia vào công cuộc xây dựng phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của tỉnh. Nhà trường đã quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện của Nghị quyết với tới cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên nhà trường. Nghiêm túc thực hiện đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phát huy năng lực sáng tạo… mục tiêu giáo dục đặt ra phù hợp với trình độ, năng lực của từng đối tượng học sinh và thực tiễn của nhà trường.
Theo thống kê trong 10 năm trở lại đây: Hạnh kiểm từ trung bình trở lên đạt tỉ lệ hàng năm trên 99% trong đó tỉ lệ hạnh kiểm Khá, Tốt đạt trên 97%/năm; Tỷ lệ chuyển lớp thẳng của khối 10, 11 đạt 100%; Tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm đạt 100%; Tỉ lệ học sinh tham gia các đội tuyển các năm chiếm từ 60% tổng học sinh toàn trường. Về kết quả giáo dục mũi nhọn: Tỉ lệ đạt giải các năm từ 66% lượt học sinh dự thi, tỉ lệ đạt tăng lên hàng năm. Trong 10 năm đạt 1832 giải HSG cấp tỉnh (Giải nhất: 26; giải nhì: 123; giải ba: 371; giải khuyến khích: 1312); Tỉ lệ thi đỗ các trường đại học đạt trên 85%, trong đó có 20% đỗ vào các trường đại học tốp đầu toàn quốc, tiêu biểu là em Lò Thị Thu Thuỷ đỗ thủ khoa Học viện chính trị CAND; em Lý A Dế đỗ Học viện kỹ thuật quân sự; em Lường Văn Hân đỗ đỗ Học viện kỹ thuật quân sự; em Quàng Thị Lý đỗ Học viện Quân y; em Đỗ Thái Sơn, em Lường Văn Thế đỗ Học Viện Chính Trị CAND;....
Trong 10 năm có 120 lượt cán bộ, giáo viên đạt danh hiệu CSTĐ các cấp trong đó 05 đồng chí đạt CSTĐ cấp Tỉnh; 09 nhà giáo được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; 23 nhà giáo bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ; 45 lượt nhà giáo được công nhận danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh qua các kỳ thi; rất nhiều cán bộ quản lý, nhà giáo là cốt cán chuyên môn cấp tỉnh. Nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học, sáng kiến trong nhà trường được áp dụng thành công và có hiệu quả trong thời kỳ đổi mới. Nhiều đề tài đã được Hội đồng sáng kiến, đề tài khoa học tỉnh Điện Biên công nhận phạm vi, ảnh hưởng cấp tỉnh như: đề tài “Bản đồ nông nghiệp tỉnh Điện Biên” của thầy Đỗ Khắc Phượng; đề tài “Dạy học theo định hướng phát triển năng lực kết hợp sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin trong dạy chương Chất khí - Vật lí lớp 10 THPT của thầy Trần Mạnh Hồng; đề tài “Nâng cao hiệu quả dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh qua việc tìm hiểu một số tác phẩm truyện hiện đại lớp 12” của cô Hoàng Thị Hà và cô Phạm Lệ Thanh; đề tài “Thiết kế bài giảng dạy học phát triển năng lực tự học và năng lực hợp tác trong dạy học môn Vật lý cho học sinh trường Phổ thông DTNT tỉnh Điện Biên” của thầy Trần Mạnh Hồng và cô Hà Minh Phương; đề tài “Thu gom và xử lí rác thải có thể tái sử dụng, tái chế, tái sản xuất ở trường Phổ thông DTNT tỉnh Điện Biên” của cô Vũ Phương Thanh và cô Nguyễn Thị Huệ); đề tài “Phát triển năng lực hợp tác cho học sinh trong dạy học Lịch sử Việt Nam lớp 10 từ thế kỉ X - giữa thế kỉ XIX ở trường Phổ thông DTNT tỉnh Điện Biên” của cô Phạm Thị Thanh Huyền và cô Nguyễn Hồng Thuý.
Với đặc thù trường nội trú, học sinh học tập tại trường thuộc nhiều đối tượng dân tộc thiểu số với những khác biệt về nhận thức, văn hóa, nếp sống, ứng xử...chính vì vậy ngoài việc truyền thụ kiến thức nhà trường luôn chú trọng giáo dục chính trị về lối ứng xử văn hóa hòa hợp, thân thiện cho học sinh, tạo dựng môi trường học tập, sinh hoạt đậm đà bản sắc dân tộc.
Giao lưu với các Chiến sỹ Điện Biên Phủ
Tham gia cuộc thi KHKT cấp Quốc Gia
Theo thống kê, Nhà trường đã góp phần đào tạo hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc hiện đang công tác tại nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh. Trong đó ghi nhận nhiều cán bộ lãnh đọa chủ chốt từ cấp tỉnh đến huyện, thị xã. Tiêu biểu là đồng chí: Giàng Páo Mỷ - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Lai Châu; Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu; Thào Xuân Sùng - Nguyên UVTW Đảng, Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La; Mùa A Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Điện Biên, Giàng Thị Hoa - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên,…
Mục tiêu cho thời kỳ giáo dục đổi mới
Hiện nay, mặc dù là đơn vị xếp tốp đầu của ngành GDĐT tỉnh Điện Biên, nhưng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh Nhà trường vẫn luôn nỗ lực dạy và học cũng như đẩy mạnh các phong trào thi đua, lập thành tích xuất sắc để hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập trường vào năm 2026, phấn đấu được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì. Cụ thể hóa mục tiêu này, Nhà trường đã bám sát thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của BCH Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Ban lãnh đạo nhà trường đã trực tiếp chỉ đạo các tổ, nhóm tập trung xây dựng, điều chỉnh chương trình cho phù hợp với phân phối chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đối tượng học sinh nhà trường. Tích cực đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường sử dụng phương tiện dạy học và công nghệ thông tin hợp lý hỗ trợ dạy học. Sử dụng các kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực và sáng tạo, chú trọng các phương pháp dạy học đặc thù bộ môn, phương pháp học tập tích cực cho học sinh thông qua các hoạt động học tập, giúp học sinh tự khám phá, phát hiện kiến thức mới, vận dụng sáng tạo kiến thức đã biết vào các tình huống thực tiễn. Đồng thời nghiêm túc thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục từ nặng về kiểm tra trí nhớ sang kiểm tra, đánh giá năng lực vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề, coi trọng cả kiểm tra đánh giá kết quả học tập với kiểm tra đánh giá trong quá trình học tập để có thể tác động kịp thời, thay đổi biện pháp giảng dạy phù hợp cho các nhóm đối tượng, phát huy năng lực sở trường của từng em, nâng cao chất lượng của các hoạt động dạy học và giáo dục nhà trường./.