Năm học 2022-2023 tỉnh Điện Biên có 11.037 học sinh tốt nghiệp THCS, trong số đó trên 7.900 học sinh trúng tuyển vào các trường THPT, chiếm hơn 72%; số còn lại khoảng 8% vào học lớp 10 ở các trung tâm giáo dục thường xuyên và gần 20% các em có thể vào học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (các trường nghề, cao đẳng).
Ảnh: Tư vấn phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh
Điều này cho thấy, việc không trúng tuyển vào lớp 10 các trường THPT, vẫn còn rất nhiều những cánh cửa khác đang mở ra cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Vấn đề đặt ra là các gia đình cần hiểu đúng năng lực của con em mình, cân nhắc khả năng, nguyện vọng; điều kiện kinh tế, nhu cầu nghề nghiệp tương lai…để quyết định mở cánh cửa nào phù hợp nhất cho tương lai các em.
Chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp định hướng phân luồng
Những năm gần đây, tại nhiều địa phương, trong đó có Điện Biên, tuyển sinh vào lớp 10 (thi tuyển hoặc xét tuyển) luôn được đánh giá là "nóng bỏng" bởi tính cạnh tranh ngày càng cao.
Theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025" thì đến năm 2025 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS và 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục vào học tại các cơ sở đào tạo nghề. Theo đó, sẽ không tuyển quá 70% số học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các trường THPT.
Để thực hiện mục tiêu này của Chính phủ, UBND tỉnh Điện Biên có nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo. Trong đó yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường các giải pháp tuyên truyền, thu hút học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề phù hợp. Góp phần cung ứng nguồn nhân lực với cơ cấu ngành nghề và trình độ phù hợp nhu cầu của nền kinh tế tỉnh Điện Biên và toàn quốc, tạo cơ hội được học tập suốt đời cho mọi người.
Trong những năm học vừa qua, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều hình thức như: truyền thông, tư vấn, ngoại khóa, giao lưu…nhằm tăng cường giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS, THPT đảm bảo quy định. Tuyển sinh phù hợp định hướng phân luồng, đồng nghĩa với việc đảm bảo các điều kiện đáp ứng cho dạy và học tại các cơ sở giáo dục.
Học nghề cũng là một con đường
Đối với mỗi bậc phụ huynh, con lựa chọn đúng nghề nghiệp và thành công trong cuộc sống là niềm hạnh phúc. Tuy nhiên, điều này chỉ trở thành hiện thực khi định hướng nghề nghiệp đúng, phù hợp với điều kiện, năng lực, đam mê của con và xu thế xã hội cần. Nghĩa là, ngay sau khi tốt nghiệp THCS, mỗi học sinh, trên cơ sở năng lực, sở trường, điều kiện bản thân và gia đình cần lựa chọn con đường học tập phù hợp nhất.
Học sinh có năng lực học tập phù hợp sẽ đạt được nguyện vọng là tiếp tục theo học các môn văn hóa ở bậc THPT gồm trường THPT (hệ phổ thông), hoặc Trung tâm GDTX (hệ GDTX).
Học sinh lực học khó có thể đáp ứng khi học tiếp các môn văn hóa ở bậc THPT, trong số đó nhiều em say mê với một số nghề (như sửa chữa điện, công nghệ thông tin,…) hoặc nhu cầu sớm tham gia lao động, khởi nghiệp. Những trường hợp này, học sinh và phụ huynh nên tìm hiểu, đăng ký theo học ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp (học nghề): trung cấp chuyên nghiệp hoặc hệ trung cấp nghề ở trường cao đẳng, vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình GDTX hoặc bước vào thị trường lao động.
Đối với Trường Cao đẳng, có thể đăng ký học theo 3 hướng: Vừa học nghề và học chương trình văn hóa phổ thông, sau khi có bằng trung cấp nghề và hoàn thành chương trình văn hóa các em sẽ được học tiếp liên thông lên trình độ cao đẳng; vừa học nghề và học chương trình văn hóa THPT, sau khi tốt nghiệp học sinh đủ điều kiện học liên thông lên cao đẳng, đại học; chỉ học trung cấp nghề.
Nhìn nhận dưới góc độ nguồn nhân lực, thị trường lao động luôn cần nguồn nhân lực rất đa dạng nhiều ngành nghề thuộc các cấp bậc đại học, cao đẳng, trung cấp hay sơ cấp. Do đó, mỗi học sinh, trên cơ sở năng lực, sở trường, điều kiện bản thân và gia đình cần lựa chọn con đường học tập phù hợp nhất.
Cần thay đổi quan điểm về giáo dục đào tạo
Sau khi các trường THPT công bố danh sách trúng tuyển vào lớp 10 đã có nhiều phụ huynh tỏ ra bất ngờ và lo lắng. Không ít phụ huynh có tâm lý: con mình bắt buộc phải học hết THPT sau đó mới tính việc tiếp tục học cao đẳng, đại học, đi học nghề hoặc đi làm.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Điện Biên khẳng định: "Các em vẫn còn nhiều cơ hội khác. Tại các trường hoặc trung tâm dạy nghề, các em vẫn sẽ được đăng ký học chương trình THPT. Sau khi tốt nghiệp các em vừa có bằng THPT lại vừa có bằng (hoặc chứng chỉ) nghề nghiệp. Ngoài ra, nếu không vào được các trường THPT các em cũng có thể đăng ký theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên tại các huyện."
Và cho rằng, “bên cạnh việc tuyên truyền về phân luồng giáo dục và hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT thì các địa phương cũng cần tuyên truyền, phổ biến để người dân có cách nhìn đầy đủ và cởi mở hơn về định hướng nghề nghiệp cho con em mình”.