Thời gian vừa qua, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm đã được UBND tỉnh, các ban ngành đoàn thể tỉnh, đặc biệt Ngành GDĐT và các cơ sở giáo dục quan tâm, tổ chức thực hiện tốt các quy định, tạo môi trường an toàn cho người học. Tuy nhiên, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh vẫn còn xuất hiện các trường hợp ngộ độc thực phẩm
Để đảm bảo tiếp tục thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong cơ sở giáo dục trong các trường học, Sở GDĐT phối hợp với Sở Y tế, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham những, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị về công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong cơ sở giáo dục trong khoảng thời gian ½ ngày, từ 14h00-17h00, ngày 25/9/2023 nhằm các mục tiêu cơ bản:
Một là, cung cấp các kiến thức, kỹ năng thực hành trong công tác đảm bảo An toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm cho bếp ăn tập thể, Quy trình và nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn.
Hai là, hướng dẫn kiểm tra giám sát tại bếp ăn tập thể, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về An toàn thực phẩm.
Ba là, tăng cường cấp các giải pháp tăng cường phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh:
Đồng chí Nguyễn Văn Đoạt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc
Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Điên phát biểu khai mạc Hội nghị
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến với trên 560 điểm cầu (Sở GDĐT: 01; Mầm non: 196 trường tiểu học: 140; trường THCS: 122; trường THPT: 33; Phòng Giáo dục và Đào tạo: 10) với 235 đại biểu mời, 1035 cán bộ quản lý, 2860 giáo viên, 426 nhân viên phụ trách y tế, 931 nhân viên nuôi dưỡng và 364 nhân viên liên quan tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đoạt, tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Điên đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị thực hiện nghiêm túc các quy định về thời gian của BTC, tập trung tiếp thu, lĩnh hội những kiến thức cơ bản được các đ/c báo cáo viên cung cấp; mạnh dạn trao đổi, thảo luận nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị; từ đó có thể vận dụng vào cơ sở giáo dục tại địa phương mình, góp phần cùng các ban, ngành đoàn thể và nhân dân nâng cao ý thức trong công tác đảm bảo ATTP từ khâu sản xuất đến chế biến để mang đến các sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng, đảm bảo an toàn cho trường học. Đồng chí đề nghị các đồng chí bên Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Điện Biên, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham những, kinh tế, buôn lậu, môi trường cung cấp những kiến thức cơ bản nhất, những kinh nghiệm thực tiễn nhằm giúp cho các cán bộ quản lý, các thầy cô giáo và nhân viên y tế, nhân viên làm việc tại các bếp ăn tập thể trong các cơ sở giáo dục có thể lĩnh hội và vận dụng nhanh nhất, hiệu quả nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học, đảm bảo sức khỏe để công tác và học tập hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Các quý vị đại biểu ở các điểm cầu tích cực trao đổi, thảo luận, đóng góp kinh nghiệm, giải pháp góp phần làm nên thành công trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học năm học 2023-2024.
Bác sỹ Phan Thị Phong Lan, Phó Trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm cung cấp các
kiến thức, kỹ năng thực hành trong công tác đảm bảo An toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã được nghe các đồng chí Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Điện Biên, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường công an tỉnh Điện Biên triển khai nhiều nội dung quan trọng để đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh thực phẩm trong các trường học.
Đồng chí Lê Việt Bình, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế,
buôn lậu, môi trường công an tỉnh Điện Biên phổ biến một số biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Để đảm bảo tiếp tục thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong cơ sở giáo dục, Sở GDĐT quán triệt các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc một số các nội dung chính sau:
1. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến tới toàn thể nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên học sinh, học viên, sinh viên trong cơ sở giáo dục các văn bản chỉ đạo về an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn nước. Tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm. Coi đây là nội dung quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo, người lao động của đơn vị.
2. Tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học, phối hợp chặt chẽ với và các cơ quan, đơn vị liên quan tại địa phương trong việc chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an toàn thực phẩm cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Tăng cường công tác kiểm tra và tham gia kiểm tra, giám sát liên ngành; huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn nước. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên.
3. Chủ động cân đối kinh phí được giao, huy động các nguồn kinh phí hợp pháp hoặc báo cáo cơ quan quản lý cấp trên bổ sung kinh phí xây dựng, cải tạo, sửa chữ nhà bếp, nhà ăn, hệ thống cấp nước đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.
4. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức cho học sinh, học viên, sinh viên, nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, căng tin trường học và cha mẹ học sinh về thực phẩm lành mạnh và an toàn thực phẩm; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động vệ sinh trường học để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường học.
5. Các cơ sở giáo dục tổ chức bữa ăn học đường, các dịch vụ ăn uống trong trường học phải bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm; Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế; Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 08/7/2008 của Bộ Y tế và Bộ GDĐT hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ GDĐT và Bộ Y tế quy định về công tác y tế trường học; Chỉ thị số 4316/CT-BGDĐT ngày 12/10/2018 của Bộ GDĐT về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục và các văn bản, tài liệu hướng dẫn hiện hành của Bộ GDĐT, Bộ Y tế về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
6. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi. Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.
7. Tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học để phòng, chống và ngăn chặn các bệnh lây truyền do nguồn nước không bảo đảm; huy động đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên tham gia vệ sinh khuôn viên sân trường, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải xung quanh sân trường, vệ sinh lớp học.
8. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường (thực hành thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tuân thủ việc sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi, thay đổi các thói quen có nguy cơ dẫn đến mất vệ sinh, an toàn thực phẩm…).
10. Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với chế độ rèn luyện thể lực phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh để nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm. Khuyến khích các cơ sở giáo dục (trường phổ thông DTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú,…) tăng cường giáo dục kỹ năng sống, đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, thực hiện tăng gia sản xuất (trồng rau xanh, chăn nuôi lợn, gà ...) để bổ sung nguồn thực phẩm an toàn cho bếp ăn tập thể tại trường.
11. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương tăng cường kiểm tra các cửa hàng, quán ăn gần trường học; kiểm tra các cơ sở sản xuất, các đơn vị cung cấp nguồn thực phẩm cho trường học; đảm bảo tuyệt đối không cung cấp, buôn bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm về an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên.
Phòng GDĐT tham mưu Ban Chỉ đạo y tế cấp huyện tăng cường kiểm tra, giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong các cơ sở giáo dục.
Hội nghị đã thành công tốt đẹp, hướng tới công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong cơ sở giáo dục thực sự hiệu quả, tạo môi trường an toàn cho trẻ em, học sinh, sinh viên, học viên, các thầy cô giáo và nhân viên trong các cơ sở giáo dục./.