Nâng cao chất lượng công tác quản lý học sinh nội trú, giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường
Thứ tư - 04/10/2023 22:44
Bạo lực học đường đã trở thành vấn đề gây nhức nhối, trở thành hồi chuông cảnh báo của ngành giáo dục và toàn xã hội. Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên là môi trường học tập giành cho học sinh (HS) dân tộc thiểu số. Học sinh nhà trường được tuyển qua hình thức thi tuyển, do đó các em học sinh phần lớn chăm, ngoan có ý thức trong tu dưỡng và rèn luyện. Đây là 1 thuận lợi cơ bản cho nhà trường trong quá trình quản lý giáo dục HS nhằm hạn chế tình trạng bạo lực học đường.
Tuy nhiên, với quy mô 665 học sinh, sinh hoạt, học tập tại trường là khó khăn rất lớn trong công tác quản lý HS nội trú nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường. Năm học 2023-2024 học sinh nhà trường thuộc 17 dân tộc với những nét đặc trưng văn hóa, lối sống riêng biệt, thói quen sinh hoạt khác nhau, từ đó dễ dẫn đến những quan điểm, sự khác biệt trong lối sống và sinh hoạt hàng ngày, việc nảy sinh những mâu thuẫn, bất đồng gây ra tình trạng bạo lực học đường rất dễ xảy ra. Hơn thế nữa HS nhà trường đến từ tất cả các huyện thị, thành phố trong toàn tỉnh, 1 số học sinh có tư tưởng cục bộ địa phương, lôi kéo chia bè phái theo địa bàn, theo dân tộc. Như vậy, có thể khẳng định giải quyết tình trạng bạo lực học đường trong môi trường nội trú là vấn đề khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều so với các môi trường giáo dục phổ thông khác. Chính vì vậy, việc xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, một trường học hạnh phúc chính là một trong những nhiệm vụchính trị quan trọng của nhà trường. Điều này đã được tập thể nhà trường thực hiện tốt trong nhiều năm qua thể hiện qua chất lượng hai mặt giáo dục của nhà trường. Có được kết quả trên chính là nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong xây dụng môi trường trường học an toàn, không có bạo lực học đường của Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên. Sau đây là một số giải pháp đã được thực hiện hiệu quả trong công tác quản lí HS nội trú của nhà trường, giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường xảy ra trong trường học. Thứ nhất, Cần xác định mục tiêu giáo dục là xây dựng môi trường học tập an toàn, không để bạo lực học đường xảy ra, gây ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, tâm lí học sinh, chất lượng mọi mặt giáo dục của nhà trường. Vì vậy "phòng hơn là chống" làphương châm chính trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục tại Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên. Các giải pháp đưa ra về phòng chống bạo lực học đường phải được thực hiện cụ thể, có chuyên môn, không nghiêng về “chống” mà chú trọng đến “phòng ngừa”. Ban Lãnh đạo nhà trường đã xác định nhiệm vụ trọng tâm, đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu bạo lực học đường là nâng cao chất lượng công tác quản lý, kiểm tra giám sát HS nội trú trong trường học. Thứ hai, Làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và gia đình học sinh về phòng, chống bạo lực học đường. Chỉ rõ cho GV và HS thấy được biểu hiện, nguy cơ tiềm ẩn có khả năng xảy ra bạo lực học đường, mức độ, hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến tâm sinh lý HS và chất lượng giáo dục của nhà trường. Từ đó hình thành, rèn luyện kĩ năng phát hiện, phòng tránh các nguy cơ bạo lực học đường tiềm ẩn có thể xảy ra. Để làm được điều này, cán bộ quản lí, giáo viên phải quan tâm và nắm được tâm lý lứa tuổi học sinh. Ngoài làm chuyên môn, thầy cô cần trở thành nhà tâm lý để tổ chức những hoạt động giáo dục giá trị sống, kỹ năng mềm, giúp học sinh thích ứng với sự biến động của xã hội và thay đổi của chính các em. Các hình thức tổ chức tuyên truyền mà nhà trường đã thực hiện hiệu quả trong nhiều năm: - Nhà trường xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học có sự thay đổi, điều chỉnh phù hợp hàng năm. - Phát động và thực hiện tốt phong trào “3 không” trong trường học (không có tội phạm, không có tệ nạn xã hội, không vi phạm nếp sống văn hóa). - Tổ chức cho HS kí cam kết giao ước giữa các lớp trong khối liên kết và giữa các khối liên kết trong nhà trường nhằm đảm bảo thực hiện nội quy nề nếp, giữa gìn đoàn kết nội bộ. Nhà trường làm tốt công tác chỉ đạo GVCN và HS mỗi lớp xây dựng nội quy của lớp phù hợp, phổ biến tới từng học sinh và quản lí HS theo nội quy, quy định của nhà trường, tập thể lớp. - Xây dựng kế hoạch ngoại khoá hình thành nhiều kỹ năng sống thiết thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh, hiệu quả cao gắn với trải nghiệm thực tế, nhất là các kỹ năng nhận diện, phòng, chống bạo lực học đường… Ban Lãnh đạo nhà trường giao Đoàn TN, Hội liên hiệp TN tổ chức Diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường”, thành lập Đội “Thanh niên xung kích”.
Thứ ba, Thành lập tổ tư vấn tâm lý do các thầy cô giáo có kinh nghiệm đảm nhiệm, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, tư vấn cho học sinh những vấn đề, những khó khăn khúc mắc về tâm lý HS... Thành lập và duy trì nhiều câu lạc bộ trải nghiệm như: Truyền thông, em yêu văn học, câu lạc bộ dân ca, dân vũ, câu lạc bộ khéo tay, CLB thể thao… tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh. Thứ tư, Làm tốt công tác “giám sát, phát hiện” những nguy cơ xảy ra bạo lực học đường trong nhà trường. Để thực hiện hiệu quả giải pháp này, nhà trường đã phối hợp đồng bộ nhiều lực lượng trong nhà trường như CBQL, GVCN, GVBM, Bảo vệ, Y tế, Ban quản lí nội trú, Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp TN.. trong việc giám sát, phát hiện, xử lí kịp thời với những hành vi gây mất đoàn kết. Nhà trường luôn coi công tác chủ nhiệm lớp là nhiệm vụ trọng tâm và có vai trò cốt yếu trong việc giáo dục tư tưởng, đạo đức của HS. GVCN chính là người gần gũi nhất với các em, có khả năng phát hiện sớm nhất những biểu hiện thay đổi trong tâm lí, tư tưởng của HS. Hàng năm, chuyên môn nhà trường xây dựng các chương trình bồi dưỡng giáo viên và GVCN với các nội dung về kĩ năng ứng xử sư phạm, về xây dựng lớp học thân thiện, tích cực, hạnh phúc với quan điểm “Thầy cô thay đổi, thầy cô cảm nhận được hạnh phúc, tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt”. Đẩy mạnh vai trò nêu gương người GVCN trong việc định hướng, nhắc nhở, giáo dục HS về tinh thần đoàn kết và thay đổi những hành vi lệch lạc, thiếu chuẩn mực. Hàng năm nhà trường làm tốt công tác đánh giá, rà soát, bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên phù hợp với chuyên môn, năng lực. Có khen thưởng, nhắc nhở với những GV làm tốt, chưa tốt. Tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm giữa chuyên môn nhà trường, GVCN các khối lớp để giáo viên chủ nhiệm thực sự là cầu nối, người cố vấn, cùng HS giải quyết mọi vấn đề trong môi trường học đường. GVBM và các lực lượng trong nhà trường thường xuyên quan tâm đến diễn biến tâm lý học sinh. Kịp thời hỗ trợ, giải quyết các khúc mắc phát sinh trong môi trường nội trú. Đoàn TN cùng Ban quản lí nội trú, Bảo vệ nhà trường thực hiện nghiêm túc việc trực, giám sát việc thực hiện nội quy nề nếp HS, kịp thời phát hiện những biểu hiện và giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra trong khuôn viên của trường. Đoàn thanh niên kết hợp nội trú thành lập đội cờ đỏ, đội thanh niên tự quản tăng cường công tác tự kiểm tra chéo trong việc thực hiện nội quy trường lớp, KTX từ đó phát hiện sớm những hành vi chưa chuẩn mực của học sinh để kịp thời ngăn chặn. Nhà trường xây dựng hòm thư góp ý (hòm thư tố giác) để các HS chủ động báo cáo những khó khăn, vướng mắc của bản thân từ đó giúp nhà trường nhanh chóng phát hiện sớm nguy cơ gây ra tình trạng mất an toàn trường học để kịp thời ngăn chặn.
Thứ năm, Làm tốt công tác phối hợp giữa nhà trường với các lực lượng chức năng có liên quan ngoài nhà trường. Nhà trường đã xây dựng tốt mô hình: “Nhà trường - Phụ huynh - Địa phương - Công an”. + Với phụ huynh: nhà trường, GVCN phối kết hợp chặt chẽ với gia đình để hiểu cá tính, xu hướng tâm lí của từng HS nhằm quản lí học sinh từ gốc. Nhà trường kết hợp cùng GVCN thành lập nhóm liên lạc với các gia đình HS, hội phụ huynh, cập nhật thường xuyên thông tin HS để các PH nắm được kịp thời thông tin và phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục HS. - Với khu dân cư địa bàn nhà trường đóng chân: Cùng phối hợp với tổ dân phố, các gia đình quanh khu vực trường học thực hiện tốt việc quản lí, phát hiện, ngăn chặn việc HS ra ngoài tiếp xúc với các đối tượng không tốt tránh nhiễm thói xấu. - Ban Lãnh đạo phối hợp với Công an phường, Công an thành phố: tổ chức tuyên truyền trước cờ, về các văn bản pháp lí, quy định xử phạt đối với các hành vi gây mất trật tự, an toàn, an ninh… Cùng hỗ trợ nhà trường trong việc xử lí, giáo dục HS vi phạm, ngăn chặn kịp thời những thành phần không tốt lôi cuốn HS đi vào con đường vi phạm pháp luật, có hành vi bạo lực trong và ngoài nhà trường. Phối kết hợp với các cấp chính quyền quản lý chặt chẽ, xử lý kịp thời và có chế tài đủ mạnh để loại bỏ những hành vi bạo lực trên internet, phim ảnh và trò chơi điện tử mang tính bạo lực. Từ việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp đã góp phần giáo dục ý thức đạo đức, lối sống văn hóa, trau dồi kỹ năng sống, góp phần ngăn chặn nạn bạo lực học đường, định hướng xây dựng tình bạn đẹp cho học sinh Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên, xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện, lành mạnh, không xảy ra các vụ bạo lực học đường. Để nhà trường xứng đáng là địa chỉ tin cậy, là nơi tạo nguồn cán bộ chất lượng cao người dân tộc thiểu số của tỉnh Điện Biên.