"Vật lý quanh ta" – Hành trình khám phá, sáng tạo và chính phục
của học sinh trường PTDTNT tỉnh Điện Biên
Thực hiện theo kế hoạch của chuyên môn nhà trường về tổ chức các hoạt động giáo dục, hoạt động ngoại khoá năm học 2024 – 2025 sáng ngày 28 tháng 4 năm 2025 nhóm Vật lý trường PTDTNT tỉnh Điện Biên đã tổ chứcthành công buổi ngoại khoá cho học sinh toàn trường với chủ đề: “Vật lý quanh ta – Khám phá, sáng tạo và chinh phục”.
Mở đầu chương trình, các em được lắng nghe câu chuyện đầy cảm hứng về Ác-si-mét (Archimedes, khoảng năm 287 TCN – 212 TCN) là một nhà toán học, nhà vật lý, kỹ sư và một nhà thiên văn học người Hy Lạp với những phát minh vĩ đại: máy bơm dùng để tưới tiêu, là người đầu tiên sử dụng hệ thống các đòn bẩy và ròng rọc để nâng các vật lên cao; tìm ra định luật về sức đẩy của nước, tìm ra số Pi, chế tạo ra nhiều vũ khí dùng trong quân đội như máy bắn đá, vũ khí quang học… Ác-si-mét chính là người đặt nền móng cho cơ học cổ điển với câu nói nổi tiếng: "Hãy chọn cho tôi một điểm tiêu đề, tôi sẽ nâng cả trái đất lên". Bằng sự thông minh, sáng tạo và tinh thần nghiên cứu không ngừng, Ác-si-mét đã đặt nền tảng cho nhiều nguyên lý khoa học hiện đại. Ông mãi mãi được kính trọng như một biểu tượng của trí tuệ nhân loại.
Vật lý không chỉ là những công thức trên sách vở, mà còn hiện hữu trong từng sản phẩm, thiết bị trong cuộc sống hằng ngày. Điều này đã được các em HS trường PTDTNT tỉnh Điện Biên sáng tạo thông qua không gian trưng bày các sản phẩm, mô hình với chủ đề “Vật lý và cuộc sống” rất ấn tượng tiêu biểu như: máy phát điện mini; hệ thống lọc nước tự động – khối lớp 12; cánh tay rôbot hoạt động dựa trên nguyên lý thuỷ lực; chế tạo xe chạy dựa vào thế năng của nước – Khối lớp 11; mô hình hệ mặt trời; máy bắn đá - Khối lớp 10… cùng rất nhiều mô hình thí nghiệm được sử dụng trong học tập; đồ dùng, đồ chơi ứng dụng từ kiến thức Vật lý. Kết quả giải Nhất đã thuộc về không gian sáng tạo của lớp 10; tiếp đến giải Nhì; Ba thuộc về lớp 12 và 11.
Không gian trưng bày của lớp 10
Không gian trưng bày của lớp 11;12
Với những sản phẩm được trưng bày đã khẳng định Vật lý không chỉ tồn tại trong sách mà hiện diện sống động trong đời sống thực tế. Mỗi học sinh đều có thể trở thành thành viên "nhà bác học, phát minh, sáng chế nhỏ" nếu biết quan sát, đặt câu hỏi, tư duy nhạy bén và khả năng áp dụng kiến thức vào cuộc sống – đây là những kỹ năng rất cần thiết trong thế kỷ 21.



Phần trưng bày và thử nghiệm sản phẩm của các đội
Trong không khí tràn đầy hứng thú và đam mê khám phá khoa học chương trình ngoại khoá càng trở nên bùng nổ hơn khi trên sân khấu xuất hiện các thầy cô Nhóm Vật lý trong vai trò là những ảo thuật gia với những thí nghiệm Vật lý đầy ngạc nhiên và thú vị. Nếu Thầy giáo Trần Mạnh Hồng mang đến một trò chơi tưởng chừng như đơn giản khi cho hai em HS kéo hai quyển sách được lồng chặt vào nhau nhưng ẩn sau đó là bài học về cuộc sống chính là sự gắn kết, sự hỗ trợ lẫn nhau là "ma sát" để một tập thể đoàn kết, vững chắc trước thử thách. Hiểu được sức mạnh ma sát – cũng là hiểu được giá trị của đồng lòng, gắn bó và chia sẻ.

Thầy giáo Trần Mạnh Hồng cùng các em HS tiến hành thí nghiệm về lực ma sát nghỉ
Thầy giáo Nguyễn Thái Bình lại có màn ảo thuật ma mị hơn với tên gọi “Cây gậy phản trọng lực” chỉ với một tấm vải dạ, một thanh nhựa và một chùm sợi dây qua một vài động tác biểu diễn Thầy giáo đã làm cho chùm sợi dây lơ lửng trong không khí mà không cần chạm, không cần gió, không cần nam châm. Và tất cả đều đã có câu trả lời sau bức màn bí ẩn về sự thay đổi áp suất trong thí nghiệm “Đưa trứng vào trong chai thuỷ tinh” do phần thực hiện của thầy giáo Hoàng Song Hào.
Thầy giáo Nguyễn Thái Bình với màn ảo thuật “Cây gậy phản trọng lực”
Thầy giáo Hoàng Song Hào với thí nghiệm đưa trứng vào trong chai
Chương trình ngoại khóa đã thu hút sự tham gia sôi nổi của toàn thể học sinh và giáo viên nhà trường. Hoạt động không chỉ tạo sân chơi tri thức bổ ích, lý thú mà còn khơi dậy ở mỗi học sinh niềm đam mê khám phá khoa học, phát huy tính sáng tạo, phát triển năng lực giải quyết vấn đề vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Đồng thời hình thành kĩ năng tư vấn phản biện và làm việc nhóm cho các em học sinh.
Đại diện BGH nhà trường, các thầy cô nhóm Vật lý và đại diện các em HS các đội chơi
Mỗi thí nghiệm, mỗi hoạt động trong chương trình hôm nay đều giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về tầm quan trọng Vật lý và cuộc sống. Hiểu biết vật lý giúp chúng ta giải thích thế giới, tạo ra công nghệ, và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Hoạt động ngoại khóa “Vật lý quanh ta – Khám phá, sáng tạo và chinh phục”một lần nữa khẳng định: hiểu biết vật lý không chỉ giúp con người giải thích thế giới – mà còn giúp cải tạo, sáng tạo và chính phục thế giới tốt hơn.