header

TẢN MẠN

Thứ ba - 19/11/2024 21:36
TẢN MẠN
Chuông tan học vang lên inh ỏi, mọi người nhanh cất sách vở rồi xách cặp về ký túc xá.
Mau mau đi ăn:
- Nay ăn gì đấy nhỉ?
- Hình như cánh gà
- Chờ tớ với nhá, từ từ lấy thìa đã …
Chắc chẳng ai hôm đấy lại không đi ăn chăng, có mà sạch hơn cái mặt cơ. Thời học sinh là vậy đấy, cứ tới giờ ăn là háo hức lắm, có khi menu còn in sâu trong tâm trí hơn là thời khóa biểu.
           Nhớ buổi tối chuẩn bị nhập trường, ở nhà trằn trọc mãi không ngủ được, cứ cầm trên tay cái điện thoại xem xem mấy giờ rồi. Ai ngờ cầm luôn cuốn truyện đã ngủ ngon liền. Mới tờ mờ sáng tiếng xe kêu típ típ ở ngoài đường:
- Cậu ơi cậu đi học chưa? Bạn tôi hỏi tôi từ ngoài đường vào.
- Tôi vừa mới lờ đờ ở bếp và ra ngoài cửa nói: Thôi chưa có gì vô cái dạ dày cả bố con cậu cứ đi trước đi!
- Vậy tớ đi trước nhé! Hẹn gặp ở trường mới nha.
    Bước chân xuống xe là vào luôn sân trường mới, ai biết gì đâu, nhớ bé mà hỏi cô giáo thu hồ sơ mới biết đằng Tây rồi đằng Đông, dưới Nam trên Bắc đều la khu vực của trường. Giật mình, sao rộng thế không biết. Mà còn đang lơ mơ chưa hiểu chuyện gì thì các anh chị đã lấy đồ rồi chuẩn bị mang lên phòng ký túc.
- Tôi lớn tiếng nhanh tay giật lại túi đồ và nói: Đây là túi đồ của em mà anh chị chị lấy nhầm rồi ạ!
- Mọi người mỉm cười đáp nhẹ: À, chắc em chưa rõ mọi người hộ em bê mó lên phòng thôi ý mà.
Tôi chợt đỏ mặt, ngại ngùng rồi quay đi sang bên đứa bạn né tránh sự xấu hổ và những lời nói vừa rồi. Xong buổi thu dọn phòng ở mới thì cũng là lúc trưa nắng gắt lên rồi. Đột nhiên, từ cửa của cô giáo bước lên tận phòng trên tầng 3 ký túc mà nói
- Ơ hai đứa này đi xuống đây cô dẫn đi ăn nào.
- Bạn tôi nói: Chúng em không ăn cô ạ!
- Cô đáp: Cứ đi ăn đi mà, không ăn thì làm quen với nhà bếp nữa chứ. Lát chiều cô không lên còn biết nhà ăn ở đâu mà đi ăn...
Tôi thực sự bất ngờ trước cái hành động ấy của cô giáo. Cứ phải đi cô mới chịu về cơ, thế là cũng đành đi cho cô đỡ phải réo nữa. Nhưng mà nói thật chứ cô nói thẳng là đưa màn cô giặt cho, có chuyện gì thì gọi cho cô khi cần. Ôi! Tôi tự nhủ lòng rằng có khi cô giáo là mẹ thứ hai của mình thật không chứ, ở nhà mẹ bắt giặt đấy mà xuống dưới này cô bảo cô giặt cho thế mới lạ. Nào về bốc phốt cô giáo như mẹ hiền cho mọi người nghe mới được.
Sau một khoảng thời gian học tập do hiểu về khả năng học của bản thân nên đành bảo cô tôi muốn chuyển lớp. Cô cũng là làm đơn cho tôi chuyển, mà ai cũng khuyên ở lại đi nhưng lúc đó tôi đã nhắc lại câu nói của thầy Hiệu trưởng "Các em phải hiểu rằng bạn mình học ở đó không có nghĩa là lúc đó chúng ta cũng học được" .Thực sự thức tỉnh tôi luôn mà. Đằng nào cũng cùng trường lo gì Không chơi được với nhau, vẫn kiên quyết bay sang lớp cuối để học ấy thôi. Mà cả tối đấy não đoạn thiên cung luôn chứ, mọi người ai cũng chuyển lớp nên đi đi lại lại lấy cái này xong đến cái kia ,đi ra rồi lại đi vào.
Mới vào lớp học mới chưa quen ai tôi liền hỏi đứa ở trên xem tổ trưởng là bạn nào, thực sự trùng hợp đến lạ tôi gọi đúng luôn tổ trưởng chứ. Bạn bảo tôi rằng nhớ giữ trật tự không là bị ghi sổ đấy. Tôi cũng vừa mới vào nên cũng rén, nào ngờ từ bên cạnh bàn phía bên phải nhỏ giọng bảo tôi:
- Ô cậu ơi cậu là học sinh mới nữa à?
- Tôi giật mình rồi đứng hình mất 3 giây mới lấy lại tinh thần đáp lại: ừ ừ... đúng rồi! Tôi hỏi ngược lại: thế cậu cũng từ lớp khác sang à?
- Nó đáp: Đúng rồi! Đúng rồi.
          Lúc ra chơi thì tôi gọi cho thầy chủ nhiệm mới để thông báo là tôi được chuyển vào lớp thầy rồi. Thì nói từ giọng bên kia sang nghe giọng có vẻ rất trẻ trung cứ ngỡ là sinh viên đại học. Ai dè lúc gặp mới biết tưởng thế nhưng đâu phải thế. Bất chi bất giác thầy nói với cả lớp là mọi người phải biết yêu thương, quan tâm, giúp đỡ nhau đấy nhé, xong cả lũ cười ồ. Cũng mới là mới đầu thôi nên không ai dám cười to cả. Mãi sau một năm học tại trường mới thực sự trải qua bao chuyện đời, chuyện của trường, của lớp, của phòng, của tất cả mọi người xung quanh, tất tần tật luôn...
Trường dân tộc mà nên thấy nhiều bạn dân tộc mặc như này, rồi mặc như kia. Uầy uầy... cứ như lần đầu thấy, nào là: Thái, Mông, Si-la, Cống, Lự, Mường, Tày, Nùng, Dao, Lào, Khơ mú,... Đủ luôn chứ bộ. Một tuần, rồi một tháng, lễ này rồi lễ khác, nào là tết trung thu, ngày phụ nữ Việt Nam, ngày nhà giáo Việt Nam, ngày tết dân tộc,... Nhớ nhất vẫn là những ngày thi của các khối lớp, lớp tôi bốc thăm trúng múa Mông, thế là cả lớp kêu thầy mua hộ khăn về phụ hoạ, thầy cũng nhiệt tình hộ lớp mua thật. Thầy giáo gì mà nghe lời hơn cả học sinh luôn rồi. Cứ một ngày thì lại thêm 1 lớp biểu diễn tiết mục dự thi của lớp mình, rồi cũng đến lớp tôi biểu diễn mà trùng hợp thay là hôm đấy lại chính là sinh nhật thầy, thế là cả lớp bàn bạc với nhau rồi tổ chức sinh nhật cho thầy rồi chụp vài kiểu ảnh xinh xinh. Mà nói thật chứ thầy lớp tôi đâu thích bánh ngọt đâu, mua tổ chức cho thầy xong cả lớp ăn thôi mà. Hơn nữa là thầy lớp tôi tính tình thất thường lắm, sống với nhau cũng hai năm rưỡi lớp tôi ai mà chả thấu nổi tính thầy cơ. Có lúc thầy bảo là "Các bạn phải biết là mình là lớp xã hội phải luyện chữ sao cho đẹp để khi người đọc nhìn vào mới biết mình là lớp chuyên xã hội". Mà vài hôm sau thầy đã đá câu trước rồi nói "Không cần phải đẹp, miễn sao đúng là được rồi!". Mà có khi thầy quên hoặc cũng cố ý không nhớ thôi chứ thầy nói từ lớp 10 rồi đến nay đã 12 cả lớp vẫn thuộc y như ngày đầu.
Đặc biệt là lớp còn gọi thầy với một cái tên rất ngộ, rất yêu là "Ác quỷ", dần dần không chỉ lớp tôi mà cả mọi người khi nhắc đến ác quỷ ai cũng biết là nhắc đến thầy Minh. Nói vậy thôi chứ thầy thương chúng tôi lắm. Cả lũ chúng tôi coi thầy như người thân.
Mà cứ mỗi lần có lễ gì là lớp phải mua hoa tặng các thầy cô, cùng góp mỗi đứa một chút, cũng gọi là học sinh khó khăn cũng không có đâu nhưng vẫn yêu trường yêu lớp mà bỏ ra để tặng thầy tặng cô những đoá hoa tươi thắm. Mới hồi đầu năm tôi học tại trường mà nhiều lễ lắm rồi, nhất là kỉ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20-11. Tổ chức ba ngày hai đêm, trường còn đón nhận Huân chương độc lập hạng Ba, đặc biệt là tối về trường rất linh đình luôn cứ bật nhạc lên là như đi bar vậy. Thời học sinh mà ai cũng muốn lưu giữ những kỷ niệm đẹp và chơi hết mình, học hết mình để không hối tiếc điều gì cả. Vậy mới nói dù ở trường thì trường như là ngôi nhà thứ hai, thầy cô cũng như cha mẹ,bạn bè cũng như anh em. Mà đâu riêng gì 20-11 đâu chứ tết trung thu hay tết dân tộc cũng nhộn nhịp lắm, cứ gọi là lễ là phải tổ chức các cuộc thi cho các khối liên kết, mà ai là học sinh nội trú mới hiểu rõ cái cảm giác này thôi.
      Cứ sau tết dương là xuống trường, mà nhiều hoạt động lắm, nào là gói bánh chưng, nào là thi nhau cho các trò chơi dân gian, nào là khi trổ tài bắt vịt, ném pao, ném còn, nhảy dây... Đa dạng các thể loại luôn. Mà nói đâu ai là không nhớ đâu năm nào tết dân tộc là lại một lần trổ tài đầu bếp nấu ăn đấy thôi. Vừa có các thầy cô trong từng liên kết tụ họp lại mua này mua nọ rồi nấu lên. Học thì lười lắm ấy mà nấu ăn thì ai cũng cười như xuân về, cứ ngỡ đang ở nhà đấy thôi . Dân bên xã hội nên nghèo trai lắm, phải nói từ nghèo vì năm nào cũng chưa đến hai chục anh. Cứ việc gì là tới tay các thầy, mà công nhận tôi cũng thấy mình hạnh phúc vì may mắn thật khi là học sinh Nội trú tỉnh. Có bạn bè, có cha mẹ, anh chị và mọi người quan tâm nhau lắm. Có đôi lúc thấy không ưa nhau chứ lâu dần cũng sát cánh kề vai.
Năm này qua năm khác thầy tôi hay dọa lớp nếu thầy lên chức nữa là sẽ không chủ nhiệm lớp nữa. Thật ra thì không muốn thay thầy cô khác chỉ vì sống với nhau quen nhờ vả thay thế thôi chứ ai nỡ xa ác quỷ của nhà. Lớp sợ gặp thầy cô khác không có chuyện kể hay như thầy thì buồn chán lắm. Dần dần cũng phải sắp kết thúc một thời học sinh, tôi vẫn học cùng mọi người, vẫn được thầy chủ nhiệm cũ. Mà phải công nhận lớp tôi dùng lớp học trải nghiệm thì đúng hơn, chả là môn Ngữ văn phải hai cô giáo dạy; Ngoại ngữ cũng phải ba thầy cô, Địa lý cũng phải hai; Sử cũng hai cô mới vừa lòng; mà hơn là Giáo dục địa phương thì còn hơn cả thế, cứ vài tuần là lại thay, thế mới chất, chẳng biết nên gọi là may mắn hay hên xui nhưng với tôi đó là một cảm giác khó quên, trải nghiệm mỗi môn học lại có nhiều thầy cô có cách dạy khác nhau thì bản thân mỗi đứa chúng tôi lại thêm cách học mới, nhận thêm phương pháp mới, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đón thầy cô mới bất cứ lúc nào.
       Năm nay tôi là học sinh cuối cấp của trường, tôi chính thức trở thành một học sinh lớp 12. Tôi đã ở đây gần ba năm gắn bó với trường nội trú tỉnh Điện Biên này. Lớp 10 tôi được ở trong cảnh cũ từ thời xây dựng của mấy chục năm trước, khi lên lớp 11 tôi được sống trong cảnh trường thi công, một năm trải nghiệm trong công trường, còn bây giờ tôi lên lớp 12 được hưởng những cơ sở vật chất mới, nào là nhà ăn, ký túc xá mới. Có lẽ 3 năm không quá dài, cũng không quá ngắn nhưng nó đủ để giáo dục tôi sống một cách ý nghĩa nhất, trọn vẹn nhất với mọi người xung quanh. Các thầy cô giống như người cha, người mẹ vừa là dạy học vừa làm mang tính chất giáo dục, nuôi dưỡng chúng tôi. Cô giáo của tôi cũng từng nói với tôi rằng "Điều cô mong muốn là các em có thể thi vào trường đại học mình muốn và đạt chỉ tiêu như mong ước là cô vui rồi". Tôi thấy cảm động khi học ở đây các thầy cô luôn quan tâm vun đắp tình thương đến cho trẻ vùng cao chúng tôi. Không có sự kỳ thị hay bất bình đẳng, mỗi người đều nhận được tình thương. Dù có trải qua bao nhiêu thế hệ đi nữa thì ngôi trường này vẫn là nơi mà được nhiều người quay trở lại thăm, vì ở đây có những người luôn mong chúng ta thành đạt và thành công trên con đường mà mỗi người chúng ta đã chọn. Không có trường học chúng ta sẽ không có nơi nương tựa, không có thầy cô chúng ta khó nên người.
                                                                                    Tác giả: Sùng Thị Chua – Hs lớp 12C5
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website

 

 

 

 

Ảnh nhà trường
C604.jpg C602.jpg C603.jpg C601.jpg C605.jpg
QUẢN LÝ THÀNH VIÊN
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay1,499
  • Tháng hiện tại32,012
  • Tổng lượt truy cập14,725,251
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây